Xe không chính chủ chỉ bị xử phạt trong hai trường hợp: Công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông HOẶC công tác đăng ký xe theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Như vậy, nếu trong quá trình giải quyết vụ tai nạn giao thông mà phát hiện chủ xe đã chuyển quyền sở hữu nhưng chưa sang tên hoặc đi sang tên sau thời hạn 30 ngày, CSGT mới được phép phạt chủ xe lỗi không chính chủ.

xe-khong-chinh-chu

Không bị phạt lỗi xe không chính chủ khi đang tham gia giao thông

Trường hợp khi tham gia giao thông mà bị CSGT gọi vào kiểm tra hành chính, người điều khiển chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ gồm:

– Giấy đăng ký xe.

– Bằng lái xe.

– Bảo hiểm bắt buộc xe máy hoặc xe ô tô.

– Giấy đăng kiểm xe (chỉ áp dụng đối với ô tô).

Trong trường hợp này, dù thấy tên trên giấy đăng ký xe không phải là người điều khiển phương tiện, CSGT cũng không được phép xử phạt vi phạm lỗi không chính chủ.

xe-khong-chinh-chu

Hãy đăng ký xe chính chủ ngay khi mua xe mới hay xe cũ

Như vậy, khi người dân điều khiển phương tiện di chuyển trên đường sẽ không bị phạt vì lỗi đi xe không chính chủ, hiện nay chúng ra đang bị nhầm lần lỗi không sang tên đổi chủ với việc đi xe không chính chủ tạo nên tâm lý lo lắng khi di chuyển trên đường hoặc gặp công an giao thông.

Trong một gia đình, vợ đi xe của chồng hoặc ngược lại, con cái đi xe của cha mẹ, anh chị em đi xe của nhau là hết sức bình thường, chỉ cần bạn mang theo đủ giấy tờ xe theo quy định mà chúng tôi đã liệt kê là có thể yên tâm đi xe. Ngay cả khi bạn phải dừng xe vì vi phạm luật giao thông như vượt đèn đỏ hay đi sai phần đường, làn đường, bạn vẫn sẽ không bị xử phạt lỗi không sang tên.

Nhưng khi làm thủ tục mua bán cho một người thứ ba hoặc có xảy ra tai nạn giao thông thì cơ quan CSGT sẽ làm việc truy vết chủ xe thực sự ở thời điểm xảy ra vụ việc, nếu như bạn chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ thì tức là lúc đó bạn vẫn là chủ xe, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự liên đới cho chiếc xe gây ra theo quy định của pháp luật.

Khi làm thủ tục đăng ký xe bạn cần trưng ra hợp đồng mua bán, giấy tờ cho, tặng, nếu như quá 30 ngày bạn phải chịu phạt cao nhất đến 8 triệu đồng đối với tổ chức. Lúc này bạn còn phải làm thủ tục rút hồ sơ, nộp lệ phí trước bạ, ra biển số mới nên bắt buộc phải có đủ giấy tờ cần thiết.

Như vậy có thể trả lời câu hỏi “Xe không chính chủ có bị phạt không?” của mọi người rồi nhé, chỉ cần đủ giấy tờ là sẽ không có vấn đề gì xảy ra, với cả xe máy và ô tô nhé các bạn.

Mức phạt khi không sang tên đổi chủ

xe-khong-chinh-chu

Sau khi đã tách bạch được hai vấn đề và hiểu rõ về chúng, bây giờ mình sẽ đi sâu vào cơ sở pháp lý xử phạt xe không sang tên đổi chủ nhé. Căn cứ để xử phạt là Thông tư 58/2020/TT-BCA và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các văn bản pháp luật này bổ sung chi tiết mức phạt và cơ sở xử phạt khá rõ ràng.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư 58/2020/TT-BCA, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.

Nếu không thực hiện sang tên trong thời hạn 30 ngày, người sử dụng xe sẽ bị phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, xe máy sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng đối với chủ sở hữu là cá nhân, từ 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng đối với chủ sở hữu là tổ chức. Xe ô tô bị phạt tiền 2-4 triệu đồng với cá nhân, và 4-8 triệu đồng với tổ chức.

Ngoài ra, Nghị định số 123/2021 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 100/2019/NĐ-CP còn bổ sung hành vi vi phạm đối với lỗi không làm thủ tục đổi lại giấy đăng ký xe theo quy định khi thay đổi địa chỉ của chủ xe. Mức phạt tương tự như trên.

Đối với đăng ký xe không chính chủ, bạn cũng nên làm thủ tục sớm để tránh những rắc rối về sau, chi phí làm thủ tục sang tên đổi chủ không nhiều, bạn chỉ cần đến đúng địa chỉ Đội đăng ký xe của Công an tỉnh/Thành phố mình đang sinh sống để làm thủ tục, nhờ bên dịch vụ chuẩn bị giấy tờ, cà số khung số máy…

Xe không chính chủ có bán được không: Hoàn toàn bán được nếu như bạn có đầy đủ giấy tờ gốc của xe, nhưng khi đã biết luật mới có hiệu lực từ năm 2022 thì bạn nên làm thủ tục sang tên ngay để tránh các lỗi vi phạm không đáng có mà có thể tránh được nếu như biết lưu ý.

Hiện nay, số lượng xe không chính chủ vẫn còn rất nhiều, ngay cả quá trình đổi biển vàng cho xe kinh doanh vận tải vẫn còn tồn đọng lớn, bạn hãy chú ý dành thời gian làm ngay những điều kiện cần thiết để chuẩn bị hoàn tất thủ tục khi mua bán xe cũ, đặc biệt là xe ô tô tải.

Nghị định số 123/2021 sửa đổi một số điều khoản xử phạt vi phạm giao thông đường bộ

Pháp luật ngày càng hoàn thiện với tốc độ ngày nhanh sẽ là căn cứ quan trọng để điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông, vừa mới đây Nghị định số 123/2021 đã điều chỉnh và tăng nặng mức xử phạt với một số lỗi vi phạm giao thông thường gặp, chúng tôi cập nhật để quý vị cùng nắm được.

Dưới đây là 10 điểm mới về mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được áp dụng từ ngày 01/01/2022 theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

1. Người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm có thể bị phạt tới 600.000 đồng

Theo điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe có các hành vi sau đây sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng:

– Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ;

– Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

(Hiện hành, theo điểm i, k khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên đường sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đến 300.000 đồng.)

2. Sử dụng bằng lái xe ô tô quá hạn bị phạt 12 triệu đồng

Hiện nay theo điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với việc sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng dưới 6 tháng chỉ có 400.000 đến 600.000 đồng.

Trong trường hợp Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng từ 6 tháng trở lên thì mức phạt sẽ từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng.

Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã rút thời gian giấy phép lái xe ô tô hết hạn làm căn cứ tính mức xử phạt từ 06 tháng xuống còn 03 tháng. Đồng thời, tăng mức xử phạt đối với hành vi sử dụng Giấy phép lái xe ô tô hết hạn sử dụng như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn dưới 3 tháng;

– Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với người sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn từ 3 tháng trở lên.

3. Tăng mức phạt với hành vi điều khiển xe không có Giấy phép lái xe

Theo khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với người điều khiển các loại xe sau đây không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô (hiện nay, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng);

– Phạt tiền từ 4.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh (hiện nay, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng);

– Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô (hiện nay, phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng).

Đồng thời, Nghị định 123/2021/NĐ-CP vẫn giữ nguyên mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe; và mức phạt 200.000 đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe.

4. Tăng mức phạt hành vi che biển số xe ô tô, xe gắn máy

Tại Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng khi:

Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

(Quy định hiện hành tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi che biển số xe chỉ bị phạt tiền từ 800.000 – 1.000.000 đồng).

Đồng thời, khoản 10 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi:

Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.

5. Phạt nặng xe ô tô nhận, trả khách, hàng hóa trên đường cao tốc

Nghị định 123/2021/NĐ-CP tăng mức phạt gần như gấp đôi đối với hành vi xe ô tô chở hành khách, xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, vận chuyển hàng hóa. 

Theo đó, phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe có hành vi:

– Đón, trả khách trên đường cao tốc;

– Nhận, trả hàng trên đường cao tốc.

Ngoài ra, người điều khiển xe thực hiện các hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng

(Hiện nay, Nghị định 100/2019/NĐ-CP chỉ xử phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng đối với hành vi nhận, trả khách, hàng hóa trên đường cao tốc.)

6. Tăng mức phạt với mọi trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng 

Theo khoản 14 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi Điều 25 Nghị định 100/2019/NĐ-CP), mức xử phạt người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng quy định như sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có báo hiệu kích thước của hàng theo quy định;

+ Không thực hiện đúng quy định trong Giấy phép lưu hành, trừ các hành vi vi phạm về giấy phép lưu hành dưới đây.

(Hiện nay, phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng).

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng kích thước bao ngoài của xe (sau khi đã xếp hàng lên xe) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành.

(Bổ sung mức phạt này so với quy định hiện nay)

– Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành hoặc có Giấy phép lưu hành nhưng đã hết giá trị sử dụng hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng tổng trọng lượng, kích thước bao ngoài của xe (sau khi đã xếp hàng lên xe) vượt quá quy định trong Giấy phép lưu hành;

+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng đi không đúng tuyến đường quy định trong Giấy phép lưu hành;

+ Chở hàng siêu trường, siêu trọng có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng nhưng chở không đúng loại hàng quy định trong Giấy phép lưu hành.

(Hiện nay chỉ phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng).

7. Chỉ còn 3 mức vi phạm đối với xe chở quá tải trọng

Đối với người điều khiển xe chở quá tải trọng, trước đây cơ quan chức năng chia làm 5 mức phạt lần lượt là: Quá tải 10-20%; 20-50%; 50-100%; 100-150% và trên 150% với mức phạt 1.000.000 đến 36.000.000 đồng.

Tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, chỉ quy định còn 3 mức xử lý với mức phạt tương ứng như sau:

– Quá tải 10-20%: Phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng;

– Quá tải 20-50%: Phạt tiền từ 13.000.000 đến 15.000.000 đồng;

– Quá tải trên 50%: Phạt tiền từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng.

8. Tăng mức phạt với hành vi bán, sản xuất biển số xe trái phép

Hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP có mức phạt như sau:

– Cá nhân: từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng (hiện nay chỉ phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng);

– Tổ chức: từ 20.000.000 đến 24.000.000 đồng (hiện nay chỉ phạt từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng).

Ngoài ra, hành vi sản xuất biển số trái phép hoặc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng tăng mức phạt như sau:

– Cá nhân: từ 30.000.000 đến 35.000.000 đồng (hiện nay chỉ phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng);

– Tổ chức: từ 60.000.000 đến 70.000.000 đồng (hiện nay chỉ phạt từ 6.000.000 đến 10.000.000 đồng).

9. Phạt nặng hơn hành vi đua xe trái phép

Khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định tăng mức phạt đối với hành vi đua xe trái phép, bao gồm:

– Phạt tiền từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép (hiện nay phạt tiền từ 7.000.000 đến 8.000.000 đồng);

– Phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép (hiện nay phạt tiền từ 8.000.000 đến 10.000.000 đồng).

10. Thay đổi quy định xử phạt xe chở khách quá số người quy định 

Hiện nay, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng/người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người (trừ xe buýt).

Theo quy định mới, Nghị định 123/2021/NĐ-CP giữ nguyên mức phạt 400.000 đến 600.000 đồng/người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng.